GIÁ THÉP GIẢM SÂU KHÓ TIN, NHƯNG VẪN CHƯA PHẢI ĐÁY
Lượng tồn kho ngày càng phình to trong khi nhu cầu suy yếu là mối lo ngại chính khiến giá thép trong nước có thể chưa chạm đáy. Tuy nhiên, tốc độ giảm giá có thể chậm lại trong thời gian tới.
Theo thống kê, tổng lượng tồn kho của các doanh nghiệp thép tại thời điểm 30.9 ước tính giảm 25.000 tỷ so với quý 2 trước đó, xuống còn khoảng 85.000 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng 5 quý trở lại đây.
Giá thép giảm sâu khó tin, nhưng vẫn chưa phải đáy
Các doanh nghiệp sản xuất phải hạ giá bán để giải phóng nhanh hàng tồn kho do nhu cầu suy yếu
Động thái đồng loạt xả kho trong quý vừa qua phần nào đã làm vơi bớt áp lực từ lượng tồn kho khủng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thép cũng đã trích lập dự phòng giảm giá lên đến hàng trăm tỉ đồng, điều này phần nào giảm bớt gánh nặng trong quý cuối năm.
Nhu cầu tiêu thụ thép trong nước yếu đi buộc các doanh nghiệp sản xuất phải hạ giá bán để giải phóng nhanh hàng tồn kho. Tuy nhiên, xu hướng này nếu tiếp tục sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thép trong quý 4 bởi lượng tồn kho dù đang giảm nhưng vẫn còn rất lớn.
Sự khó lường của ngành thép thể hiện rõ nhất trong trường hợp của Hòa Phát. Cụ thể, chỉ vài tuần trước khi BCTC quý 3 được công bố, SSI Research còn ước tính lợi nhuận sau thuế quý 3 của doanh nghiệp này đạt khoảng 2.100 tỉ đồng, giảm 80% so với cùng kỳ. Thế nhưng, con số thực tế lại âm đến gần 1.800 tỉ đồng, khác xa với dự báo.
Còn trong báo cáo gần đây, SSI Research đã điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2022 của Hòa Phát xuống 12.200 tỉ đồng, giảm 65% so với mức đỉnh năm 2021. Như vậy, theo ước tính của SSI, lợi nhuận sau thuế trong quý 4.2022 của Hòa Phát có thể đạt 1.757 tỉ đồng, giảm 76% so với cùng kỳ năm ngoái.
Công ty Chứng khoán này cũng cho rằng, do nhu cầu thị trường yếu hơn, Hòa Phát có thể cân nhắc tạm thời đóng một phần công suất lò cao trong thời gian ngắn hạn.
Trong khi tác động của hàng tồn kho chi phí cao có thể giảm dần trong thời gian tới, nhưng giá thép giảm cùng với nhu cầu suy yếu có khả năng dẫn đến tăng trưởng lợi nhuận âm so với cùng kỳ cho đến nửa đầu năm 2023.
Về dài hạn, nhu cầu chậm lại và lãi suất tăng có thể là cơ hội trong dài hạn cho các doanh nghiệp thép đầu ngành tiếp tục gia tăng thị phần nhờ tình hình tài chính vững mạnh, trong bối cảnh các đối thủ cạnh tranh nhỏ và kém hiệu quả hơn có thể dần bị đẩy ra khỏi thị trường.
Nguồn tin: CafeLand
![]() ![]() ![]() |