5.1.2. Hệ dầm thép
5.1.2. Hệ dầm thép
5.1.2. Hệ dầm thép
Việc bố trí, sắp đặt các dầm theo một trật tự, quy luật đảm bảo các yêu cầu sử dụng tạo thành hệ dầm để chịu và truyền tải trọng và các tác dụng khác như: hệ dầm mái (trực tiếp đỡ mái), hệ dầm sàn (trực tiếp đỡ bản sàn) … Tuỳ theo mặt bằng sàn và cách bố trí, tổ hợp các dầm, người ta chia hệ dầm làm ba loại: hệ dầm đơn giản, hệ dầm phổ thông, hệ dầm phức tạp.
Hình 5.4. Các loại hệ dầm: a- hệ dầm đơn giản; b- hệ dầm phổ thông; c- hệ dầm phức tạp; 1- dầm sàn; 2- dầm phụ; 3-dầm chính
a. Hệ dầm đơn giản (hình 5.4,a): là hệ chỉ có một hệ thống các dầm bố trí song song với cạnh ngắn của ô sàn. Các dầm này gọi là dầm sàn, trực tiếp đỡ bản sàn, chịu mọi tác dụng truyền tới từ bản sàn và truyền tiếp các tác dụng này đến tường đỡ hoặc các kết cấu bên dưới. Bản sàn làm việc như bản kê hai cạnh (là các dầm sàn) nên độ cứng và khả năng chịu lực của hệ không lớn. Hệ dầm đơn giản chỉ thích hợp với sàn chịu tải trọng bé và cạnh ngắn của sàn không lớn.
b. Hệ dầm phổ thông (hình 5.4,b): là hệ gồm hai hệ thống dầm đặt vuông góc với nhau và song song với hai cạnh của ô sàn. Các dầm đặt song song với cạnh lớn, tựa lên cột hoặc lên các kết cấu tựa khác gọi là dầm chính. Các dầm đặt song song với cạnh bé của ô sàn, tựa lên dầm chính và truyền tải trọng từ sàn lên dầm chính gọi là dầm phụ. Bản sàn liên kết với dầm thép trên suốt chu vi và làm việc như bản kê bốn cạnh. Khi sàn có kích thước không quá lớn (LxB ≤ 36x12m) hoặc khi sàn chịu tải trọng không lớn (q ≤ 3000daN/m2) thì sử dụng hệ dầm phổ thông là khá phù hợp, đạt được hiệu quả kinh tế hơn so với các loại hệ dầm khác (lượng thép làm hệ dầm và bản sàn ít hơn, cấu tạo đơn giản hơn).
c. Hệ dầm phức tạp (hình 5.4,c): là hệ gồm ba hệ thống dầm: dầm chính đặt song song với cạnh dài của ô bản, dầm phụ đặt song song với cạnh ngắn của ô, dầm sàn đặt vuông góc với dầm phụ (song song với dầm chính). So với hai hệ a và b trên đây thì hệ dầm này có cấu tạo phức tạp, tốn công chế tạo hơn nhiều; vì vậy chỉ thích hợp khi tải trọng lên sàn lớn (q > 3000daN/m2).
Các dầm trong hệ dầm được liên kết với nhau theo một trong ba cách: liên kết chồng (hình 5.5,a), liên kết bằng mặt (hình 5.5,b) hoặc liên kết thấp (hình 5.5,c,d).
Hình 5.5. Liên kết giữa các dầm: a- liên kết chồng; b- liên kết bằng mặt; c- liên kết thấp; d- cách cấu tạo liên kết cứng (ngàm) giữa các dầm
Tuỳ thuộc vào giải pháp cấu tạo, mà nút nối dầm-dầm tại đầu dầm có thể là liên kết khớp hoặc liên kết cứng.
![]() ![]() ![]() |